Viêm khớp dạng thấp là bệnh mạn tính do rối loạn tự miễn, hệ miễn dịch tấn công chính các mô của cơ thể. Bệnh làm tổn thương hệ khớp và các cơ quan khác bao gồm: tim, mạch máu, da, mắt, phổi.
Viêm khớp dạng thấp là gì?
Viêm khớp dạng thấp còn được gọi là viêm đa khớp dạng thấp, đây là bệnh mạn tính do rối loạn hệ miễn dịch bên trong cơ thể, hệ miễn dịch lúc này tấn công nhầm các mô của cơ thể gây nên bệnh tự miễn.
Viêm khớp dạng thấp sẽ làm ảnh hưởng đến niêm mạc khớp, gây sưng đau cho người bệnh sau đó dẫn đến xói mòn xương và biến dạng khớp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động hàng ngày. Đặc biệt, viêm khớp gối, mắc cá hoặc khớp bàn chấn sẽ làm cho người bệnh gặp khó khăn khi đứng hoặc cúi người.
Bệnh phổ biến ở người trẻ trong độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi. Bệnh thường xảy ra ở nữ nhiều hơn nam gấp 2 -3 lần.
Bệnh cần được phát hiện sớm để điều trị kịp thời để tránh những biến chứng và hậu quả nặng nề. Bệnh thường diễn biến phức tạp và không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời ngay từ giai đoạn đầu sẽ tránh được nguy cơ tàn phế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Hiện nay một số loại thuốc mới đã đem lại hiệu quả điều trị cao cho người bệnh.
Nguyên nhân của bệnh viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công lớp màng bao quanh khớp (synovium) làm cho màng bị viêm và dày lên, hậu quả có thể phá hủy xương và sụn trong khớp. Ngoài ra, dây chằng và các gân nối các khớp với nhau cũng bị suy yếu và giãn làm cho khớp biến dạng và không còn tính liên kết.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây rối loạn miễn dịch dẫn đến viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, yếu tố di truyền có thể được xem là một nguyên nhân bởi vì một số gen làm cho bạn nhạy cảm với các yếu tố môi trường như dễ mắc một số vi khuẩn, virus nhất định dẫn đến khởi phát bệnh tự miễn.
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm khớp dạng thấp
Giới tính: Phụ nữ dễ có nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp hơn nam giới.
Tuổi: Có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường xảy ra ở độ tuổi từ 20-40 tuổi.
Tiền sử gia đình: Trong gia đình có người bị viêm khớp dạng thấp thì những thành viên khác cũng có tỉ lệ cao mắc bệnh.
Hút thuốc: Hút thuốc lá là nguyên nhân làm phát triển bệnh viêm khớp dạng thấp.
Phơi nhiễm môi trường: Mặc dù chưa có nghiên cứu rõ ràng, nhưng những người thường xuyên phơi nhiễm khói bụi, có nguy cơ cao mắc các bênh tự miễn trong đó có viêm khớp dạng thấp.
Béo phì: Phụ nữ bị thừa cân béo phì có tỉ lệ mắc viêm khớp dạng thấp cao hơn các đối tượng khác cùng độ tuổi.
Bài viết trên với sự tư vấn chuyên môn từ các bác sĩ của Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn, hy vọng sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan về bệnh viêm khớp dạng thấp, bổ sung thêm kiến thức về khoa học sức khỏe. Nếu bạn quan tâm và muốn tìm hiểu các thông tin y tế có thể xem tại Tin tức y tế.