Thiếu máu là một bệnh lý phổ biến ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Bệnh thiếu máu chủ yếu ở người già, trẻ em, phụ nữ mang thai mà phần lớn nguyên nhân là do chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp. Vậy bệnh thiếu máu là gì? Có phải thiếu máu là giảm lượng máu trong cơ thể hay không?
- Định hướng chuyên ngành cho sinh viên Cao đẳng Xét nghiệm Y học
- Lý do nên lựa chọn Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn khi theo đuổi Ngành Xét nghiêm Y học?
Thiếu máu là gì?
Thiếu máu (anemia) là sự giảm khả năng vận chuyển oxy của máu, mà chức năng vận chuyển oxy trong cơ thể là do tế bào hồng cầu đảm nhiệm. Vì vậy, thiếu máu xảy ra khi có sự giảm về số lượng hồng cầu hoặc giảm lượng Hemoglobin trong hồng cầu hoặc cả hai.
Trong Y học thiếu máu không phải chỉ đơn giản là giảm lượng máu trong cơ thể, có nhiều trường hợp số lượng tế bào máu trong cơ thể ở mức bình thường nhưng vẫn có biểu hiện của bệnh thiếu máu. Vì vậy, để đánh giá một người có đang bị thiếu máu hay không, người ta dựa vào xét nghiệm nồng độ Hemglobin (Hb) trong cơ thể. Theo Tổ chức Y tế Thới giới, người bị thiếu máu khi có lượng Hb giảm dưới các trị số sau:
- Nam giới < 13 gam/100mL
- Nữ giới < 12 gam/100mL
- Trẻ sơ sinh < 14 gam/ 100mL
Biểu hiện lâm sàng của người bị bệnh thiếu máu
Thiếu máu làm cho khả năng vận chuyển oxy trong cơ thể bị giảm nên người bệnh có những biểu hiện sau đây:
Dễ bị mệt mỏi: Do các tế bào, các cơ quan trong cơ thể bị thiếu oxy làm cho quá trình trao đổi chất và thực hiện các chức năng không hiệu quả dẫn đến trạng thái mệt mỏi của cơ thể.
Thở nhanh: Để bù cho lượng oxy bị thiếu, cơ thể tạo phản xạ thở nhanh để tăng cường lấy lượng oxy từ bên ngoài vào.
Khó thực hiện công việc trí óc, hay quên: Cũng như các tế bào khác trong cơ thế, các tế bào thần kinh khi bị thiếu oxy cũng không thể thực hiện được chức năng bình thường, nặng hơn bệnh nhân có thể rơi vào trạng thái hôn mê hoặc chết não.
Tóm lại, mệt mỏi về thể chất và trí tuệ là hình ảnh điển hình của người thiếu máu.
Biểu hiện cận lâm sàng của người bị thiếu máu
Thiếu máu có thể do mất máu, do cơ thể giảm sản xuất hồng cầu hoặc do cả 2 nguyên nhân. Theo các chuyên gia cận lâm sàng, thiếu máu được phân loại dựa trên hình thái tế bào và các chỉ số hồng cầu.
Dựa trên hình thái:
- Kích thước: Thiếu máu hồng cầu to, hồng cầu nhỏ, hồng cầu bình thường.
- Màu sắc: Thiếu máu nhược sắc, thiếu máu đẳng sắc.
- Hồng cầu có kích thước khác nhau được gọi là anisocytosis
- Hồng cầu có hình dáng khác nhau được gọi là poikilocytosis
Dựa vào các chỉ số hồng cầu:
- MCV (mean corpuscular volume) là thể tích trung bình hồng cầu: MCV thấp là thiếu máu hồng cầu nhỏ, MCV cao là thiếu máu hồng cầu to.
- MCH (mean corpuscular) là lượng Hb trung bình của hồng cầu: MCH thấp là thiếu máu hồng cầu nhược sắc, MCH cao là thiếu máu hồng cầu đẳng sắc.
- MCHC (mean corpuscular hemoglobin concentration) là nồng độ Hb trung bình của hồng cầu: MCHC thấp là thiếu máu hồng cầu nhược sắc, MCHC cao chứng tỏ sự mất đi của thể tích hồng cầu không tương ứng với lượng hemoglobin.
Khoa Kỹ thuật xét nghiệm Y học của Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn chia sẻ những nguyên nhân thiếu máu thường gặp
Thiếu máu nguyên nhân thiếu sắt: Đây là dạng thiếu máu phổ biến và dễ điều trị, các bệnh mạn tính như: giun móc, trĩ, loét dạ dày, polyp đại trang…làm cho bệnh nhân bị mất máu kéo dài kèm theo đó là mất đi một lượng lớn nguyên tố sắt có trong hồng cầu dẫn đến tình trạng thiếu hụt sắt để tạo nên những tế bào máu mới hoặc do rối loạn hấp thu sắt, sắt cung cấp từ thức ăn hàng ngày không đủ dẫn đến tình trạng thiếu máu thiếu sắt.
Thiếu máu do mất máu cấp: Do tai nạn, phẫu thuật, băng kinh… Nếu được truyền máu kịp thời và không có chảy máu tiếp tục thì số lượng hồng cầu sẽ trở về bình thường trong vòng 1 tháng.
Thiếu máu ác tính nguyên hồng cầu khổng lồ: Do thiếu Vitamin B 12, acid folic hoặc thiếu yếu tố nội tại do các bệnh lý liên quan đến dạ dày.
Thiếu máu suy tủy: Do tủy xương giảm hoặc không còn khả năng tạo máu bởi một số nguyên nhân như nhiễm tia xạ, hóa chất…
Thiếu máu tán huyết: Đời sống hồng cầu bị rút ngắn do những hình dạng bất thường nên chúng bị vỡ khi đi qua các mao mạch nhỏ của lách.
Hy vọng những chia sẻ trên của đội ngũ giảng viên, sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật xét nghiệm Y học của Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn sẽ giúp cho mọi người có cái nhìn khoa học hơn về bệnh thiếu máu. Bạn nào yêu thích và muốn tìm hiểu sâu hơn thì có thể đăng ký học Cao đẳng Kỹ thuật xét nghiệm Y học tại Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn để được biết đầy đủ những kiến thức khoa học hấp dẫn của Y học nhé.