Tìm hiểu về bệnh đái tháo đường type 2 ở người cao tuổi

5 Bình chọn

Ở người cao tuổi thường có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) type 2, tuy nhiên việc chẩn đoán cũng như chăm sóc và điều trị hợp lý có thể giúp người bệnh sống vui khỏe cùng bệnh

Người cao tuổi thường có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) type 2
Người cao tuổi thường có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) type 2

Đái tháo đường (ĐTĐ) type 2 tăng theo tuổi, ở độ tuổi trên 65 chiếm khoảng 18-20%. Bài viết này hãy cùng các chuyên gia Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tìm hiểu cụ thể về bệnh Đái tháo đường type 2 ở người cao tuổi cũng như biện pháp điều trị bệnh hiệu quả nhất.

Nguyên tắc điều trị đái tháo đường người cao tuổi

Nguyên tắc điều trị đái tháo đường người cao tuổi gồm:

  • Tránh nguy cơ hạ đường huyết
  • Tránh nguy cơ tăng đường huyết ( Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu )
  • Chấp nhận mục tiêu kiểm soát đường huyết tương đối .
  • Chăm sóc các biến chứng đái tháo đường .
  • Kiểm soát huyết áp, Lipid máu đạt mục tiêu.
  • Tránh tình trạng mất nước, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng.

Mục tiêu đường huyết

Bệnh nhân già bị tăng đường huyết dẫn tới tình trạng mất nước, giảm thị lực và rối loạn tri giác, do đó làm cho bệnh nhân suy yếu và tăng nguy cơ ngã. Ngoài ra hạ đường huyết do thuốc có thể gây hậu quả xấu như ngã gây chấn thương hoặc làm các bệnh lý đi kèm nặng hơn.

Do đó mục tiêu kiểm soát đường huyết cần tùy theo tình trạng sức khỏe chung, thời gian sống còn dự kiến. Mục tiêu sau đây cho bệnh nhân lớn tuổi đái tháo đường

Những biến chứng của bệnh đái tháo đường type 2

Các bác sĩ giảng viên Cao đẳng Y Sài Gòn cho biết, biến chứng của bệnh đái tháo đường type 2 gồm: Biến chứng cấp tính và Biến chứng mạn tính

Biến chứng cấp tính

  • Nhiễm toan ceton
  • Huyết áp hạ, nhịp tim nhanh.
  • Có thể hôn mê, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
  • Hạ đường huyết: do dùng thuốc hạ đường huyết quá liều hoặc do uống thuốc hạ đường huyết lúc đói hoặc bỏ bữa.

Biến chứng mạn tính

Biến chứng tim mạch

Bệnh lý động mạch vành là một trong những biến chứng của đái tháo đường

Biến chứng thận

Bệnh tiểu đường gây ra các tổn thương mạch máu nhỏ ở thận dẫn đến thận hoạt động kém hiệu quả hoặc suy thận. Bệnh thận phổ biến ở những người mắc tiểu đường hơn những người không mắc. Việc duy trì mức glucose máu và huyết áp bình thường làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh thận.

Bệnh thần kinh

Bệnh tiểu đường type 2 có thể gây tổn thương thần kinh khắp cơ thể khi glucose máu và huyết áp quá cao. Điều này dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, rối loạn cương dương và nhiều chức năng khác.

Khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là các chi, đặc biệt là bàn chân do cấu tạo giải phẫu thần kinh mạch máu và tư thế của con người khác biệt hơn các cơ quan khác. Tổn thương thần kinh ở vùng này được gọi là bệnh lý thần kinh ngoại biên và có thể dẫn đến đau, ngứa và mất cảm giác. Mất cảm giác là dấu hiệu đặc biệt nghiêm trọng vì nó khiến bạn mất chú ý với các chấn thương, dẫn đến nhiễm trùng nặng có thể phải cắt cụt chi. Những người tiểu đường có nguy cơ cắt cụt chi cao gấp 25 lần so với người bình thường.

Biến chứng về thị giác

Hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường sẽ phát triển một số loại bệnh về mắt làm giảm thị lực hoặc mù lòa. Mức glucose máu cao liên tục cùng với huyết áp tăng và cholesterol cao là những nguyên nhân chính gây ra bệnh lý võng mạc. Tình trạng này có thể được kiểm soát qua kiểm tra mắt thường xuyên, giữ ổn định mức glucose máu và huyết áp gần hoặc bình thường.

Những biện pháp can thiệp, điều trị tăng đường huyết

Những biện pháp can thiệp, điều trị tăng đường huyết co thể kể đến như can thiệp lối sốnghay can thiệp bằng thuốc

Can thiệp lối sống

Chế độ ăn và tập luyện là hai biện pháp quan trọng nhất trong điều trị đái tháo đường cho mọi lứa tuổi.

Giảm cân làm tăng nhạy cảm của insulin, có lợi trên chuyển hoá mỡ và điều chỉnh huyết áp.

Chế độ dinh dưỡng calo thấp, ít mỡ. Chế độ ăn được khuyến khích áp dụng cho người già bị ĐTĐ là chế độ ăn giảm nhẹ calo: mỡ <30% calo, carbohydrate > 50% calo

Tập luyện thường xuyên trong thời gian dài có thể làm giảm tình trạng kháng insulin.

Nếu bệnh nhân đã áp dụng chế độ ăn và tập luyện thể lực mà không đạt được hiệu quả sẽ chuyển sang can thiệp bằng thuốc.

Biện pháp can thiệp bằng thuốc

Theo các chuyên gia Cao đẳng Dược Sài Gòn, với biện pháp can thiệp bằng thuốc, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc sau đây:

Metformin

Khi không có chống chỉ định, Metformin là thuốc được chọn đầu tiên cho bệnh nhân ĐTĐ quá cân. Tác dụng hạ glucose máu của metformin trước hết là do giảm tân tạo glucose trong gan (hepatic gluconeogenesis), nó không có tác dụng tăng tiết insulin, thuốc ít khi gây hạ glucose máu, và cũng không làm tăng cân nhiều. Tuy nhiên, tác dụng gây toan hóa tăng acid lactic là hạn chế đặc biệt đối với những bệnh nhân có rối loạn chức năng gan hoặc thận, suy tim ứ trệ, là những tình trạng bệnh thường gặp ở tuổi già.

Thuốc thuộc nhóm incretin

Thuốc uống nhóm ức chế DPP-4 có ít tác dụng phụ, ít gây hạ glucose máu, nhưng giá còn đắt có thể là rào cản cho BN lớn tuổi.

Các chất đồng vận thụ thể GLP-1 (Glucagon-like peptide 1 receptor agonists) là loại thuốc tiêm, đòi hỏi mắt còn tinh, minh mẫn, nhận thức tôt. Thuốc có thể gây buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa, đi lỏng. Tác dụng giảm cân có thể không thích hợp đối với một số BN lớn tuổi, đặc biệt người gầy, suy kiệt.

Thuốc ức chế đồng vận chuyển glucose-sodium 2

Sodium-glucose cotransporter 2 inhibitors là loại thuốc uống, có thể thuận lợi cho BN ĐTĐ lớn tuổi, hiện nay trong lâm sàng trong nước đang có 2 loại thuốc thuộc nhóm này đang được sử dụng như Forxiga (Dapagliflozin), Jardiance (Empagliflozin), tuy nhiên, kinh nghiệm sử dụng chưa được nhiều, mặc dù hiệu quả ban đầu và tính an toàn cũng đã được ghi nhận.

Sulfonylureas

Sulphonylureas và các thuốc kích thích tiết insulin khác thường gây cơn hạ glucose máu, vì vậy, nếu chỉ định phải hết sức thận trọng. Những thuốc sulfonylureas thuộc thế hệ thứ hai như gliclazide, glipizid ít gây hạ đường huyết hơn, và được chọn là thuốc chỉ định để điều trị cho người già. Chlorpropamide không được chỉ định cho người già vì thời gian bán hủy của nó dài, lại có tác dụng chống bài niệu, gây nên những cơn hạ glucose máu nặng và kéo dài.

Meglitinid

Repaglinid đang được phép sử dụng trên lâm sàng đơn trị liệu hoặc phối hợp với metformin để điều trị bệnh nhân đái tháo đường type-2. Cũng như sulfonylureas, tác dụng trước hết của nó là làm tăng tiết insulin tụy, có tác dụng nhanh hơn, ngắn hơn so với các thuốc sulfonylureas.

Repaglinid có thể gây nên tình trạng hạ glucose nặng, tăng nồng độ insulin huyết tương và tăng cân. Nó cũng có thể có lợi đối với bệnh nhân ĐTĐ tuổi già có chế độ ăn thất thường, hoặc những người có xu hướng hạ đường huyết giữa các bữa ăn khi điều trị bằng các sulfonylureas thế hệ thứ hai.

Thuốc ức chế enzym alpha glucosidase

Các thuốc ức chế enzym alpha glucosidase như acarbose (precose), enzyme alpha glucosidase thích hợp cho những bệnh nhân có tăng glucose máu nhẹ hoăc giúp làm giảm sự biến động glucose máu sau ăn khi phối hợp với các loại thuốc khác.

Nhược điểm của acarbose là carbohydrate không được tiêu hóa tới ruột già và lên men tại đây, là nguyên nhân gây đầy hơi, chướng bụng và đi ỉa lỏng, tuy nhiên, tác dụng này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn.

Thiazolidinedion:

Rosiglitazon và Pioglitazon có những tác dụng không mong muốn trên tim mạch, suy tim ứ trệ, dữ nước, gãy xương (đặc biệt rosiglitazon), Bộ Y tế nước ta đã khuyến cáo không chỉ định rosiglitazon để điều trị ĐTĐ, nếu chỉ định pioglitazon điều trị cho BN lớn tuổi bị ĐTĐ cần phải được nghiên cứu kỹ chống chỉ định đối với cá thể BN cần dùng.

Insulin

Bệnh nhân tuổi già bị ĐTĐ nói chung cũng áp dụng sơ đồ các bước tiến hành điều trị như đối với người trẻ, từ đơn trị liệu đến phối hợp thuốc để đạt được mục tiêu điều trị. Nếu thuốc uống thất bại sẽ chuyển điều trị bằng insulin.

Mặc dù chế độ điều trị bằng insulin cho người già cũng tương tự như đối với người trẻ, nhưng ở người già thị lực kém, không còn tinh tế, minh mẫn và nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ đối với hạ glucose máu, và hạ glucose máu là vấn đề phải được quan tâm đầu tiên khi điều trị các thuốc điều trị bệnh đái tháo đường đặc biệt insulin. Sử dụng những dụng cụ để giúp lấy được liều insulin chính xác, sử dụng loại insulin hỗn hợp, những bút tiêm, bơm tiêm có vạch chia đơn vị nhỏ, có màu sắc khác nhau cho từng loại bút tiêm, thậm chí bút tiêm có tiếng kêu khi vặn nút điều chỉnh đơn vị insulin, là rất cần thiết để tạo điều kiện dễ dàng khi điều trị bằng insulin cho những bệnh nhân lớn tuổi này.

Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tuyển sinh Cao đẳng Y Dược năm 2019
Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tuyển sinh Cao đẳng Y Dược năm 2019

Một số lưu ý khi chăm sóc toàn diện bệnh đái tháo đường type 2 ở người cao tuổi

Khi chăm sóc cho người cao tuổi mắc bệnh đái tháo đường type 2 cần có một số lưu ý sau:

Xuất hiện “hội chứng tuổi già” ở người bệnh

Người cao tuổi khi mắc bệnh đái tháo đường, cũng kéo theo nguy cơ lớn mắc các bệnh hội chứng tuổi già: rối loạn chức năng nhận biết, trầm cảm, rối loạn thị giác, thính giác, xuất hiện tình trạng hạ đường máu…. Những triệu chứng này thường không được bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân chú ý, nếu để kéo dài không điều trị kịp thời, có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, nếu phát hiện biểu hiện hội chứng tuổi già, cần tiến hành ngay xét nghiệm sàng lọc, tầm soát, qua đó có phương án điều trị phù hợp

Cách sử dụng thuốc điều trị cho bệnh nhân cao tuổi

  • Sử dụng thuốc bắt đầu với liều lượng thấp
  • Chú ý quan sát theo dõi khi kết hợp sử dụng nhiều loại thuốc
  • Kiểm tra định kỳ, xét nghiệm đánh giá chức năng gan, thận trong quá trình sử dụng thuốc

Kiểm soát tình trạng tăng/ giảm glucose máu chặt chẽ

Người già mắc bệnh đái tháo đường lâu ngày có nguy cơ cao xuất hiện các cơn hạ đường huyết đột ngột, vì vậy cần phải kiểm tra và theo dõi hàm lượng glucose có trong máu hàng ngày. Khi nồng độ glucose trong máu < 3,9mmol/L (< 70 mg/dL), cần liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để có phương án điều chỉnh kịp thời. Ngoài ra, nếu hàm lượng đường trong máu tăng quá cao, người bệnh xuất hiện các triệu chứng mệt lả, nôn, cũng cần có biện pháp điều chỉnh ngay, tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng kết hợp luyện tập

Đối với người già mắc bệnh đái tháo đường, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp tập luyện thể dục thể thao là rất quan trọng. Việc này không chỉ đơn thuần giúp cải thiện tình trạng bệnh, mà còn mang lại những giá trị tinh thần: chất lượng cuộc sống được nâng cao, tinh thần vui vẻ lạc quan, giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm …

Trên đây là một số hướng dẫn về việc chăm sóc và điều trị bệnh đái tháo đường ở người cao tuổi mà các chuyên gia Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn đã đề cập đến các bạn. Bệnh đái tháo đường hiện nay là một trong những bệnh không lây nhưng có tốc độ phát triển nhanh chóng, không chỉ khởi phát ở người lớn tuổi mà còn trong thời gian gần đây gia tăng ở giới trẻ. Vì vậy, mọi người cần phải kiểm tra định kỳ sức khỏe của bản thân, qua đó có phương án điều trị phù hợp.

Tư vấn tuyển sinh!
Đăng ký trực tuyến
Zalo chat
Bản đồ hướng dẫn