Khi học tiếng Nhật, trong số chúng ta có rất nhiều người đã bắt đầu bằng cách thử hết cách này tới cách khác – để có thể tìm được cách học tiếng Nhật phù hợp nhất với bản thân. Tuy nhiên, có rất nhiều cách học tiếng Nhật dễ bị hiểu sai. Từ đó bị áp dụng sai.
Làm thế nào để phân biệt được đâu là lời khuyên thực sự có ích? Đâu là những lầm tưởng khi học tiếng Nhật khiến bạn học sai cách? Hãy cùng giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn bàn về vấn đề này nhé!
Cách học tiếng Nhật qua chữ romaji
Romaji là chữ phiên âm cách đọc tiếng Nhật sang chữ Latin. Romaji hẳn sẽ làm nhiều người chưa quen thuộc với hệ thống chữ ngoài chữ Latin cảm thấy “dễ thở” hơn khi học tiếng Nhật.
Tuy nhiên, ngoài mục đích ban đầu là để giúp bạn làm quen với tiếng Nhật, cũng như học cách đọc các bảng chữ cái, thì romaji không nên được sử dụng thường xuyên nữa. Đã có rất nhiều bạn trở nên phụ thuộc vào cách phiên âm tiếng Nhật theo romaji để rồi bị nản. Khi số lượng kiến thức tăng lên bạn sẽ thấy chữ romaji sẽ làm bạn rối loạn giữa một đống các từ na ná nhau. Bạn sẽ không thể tự đọc khi nhìn chữ tiếng Nhật, nhất là kanji. Hoặc cũng không phân biệt được hai từ có chung cách đọc/phiên âm romaji.
Hãy từ bỏ cách học tiếng Nhật qua chữ romaji ngay khi bạn thành thạo hiragana. Và hãy tập học từ vựng qua chính kanji kèm phiên âm hiragana.
Học nghe tiếng Nhật một cách thụ động quá nhiều
Hẳn bạn đã biết đến phương pháp học nghe tiếng Nhật thụ động? Đó là xem phim Nhật không phụ đề dù bạn không hiểu gì. Đó là nghe nhạc Nhật không cần nhìn lời bài hát (kể cả bạn cũng không hiểu gì nốt). Là bật đài/TV tiếng Nhật trong khi nấu cơm, rửa bát, hay lúc ngủ….
Học nghe tiếng Nhật thụ động không phải là một cách học tiếng Nhật sai lầm. Nhưng bạn cần phải hiểu rõ là học thụ động chỉ nên chiếm phần cực kì nhỏ trong quá trình học tiếng Nhật của bạn. Bởi, mất cực kì nhiều thời gian để nghe tiếng Nhật thụ động thực sự hiệu quả cho bộ não của bạn. Mặc dù việc đi ngủ hay ngồi chơi giải trí mà cũng học được tiếng Nhật nghe rất hấp dẫn – nhưng nên nhớ rằng trong bất kì việc gì, kết quả bạn thu được sẽ tương đương với công sức bạn bỏ ra.
Thay vì dành phần lớn thời gian xem phim, nghe đài hay nghe băng, bạn nên dành thời gian nhiều hơn cho luyện nghe tiếng Nhật chủ động. Đó là kiểu học nghe rồi tự tạo hội thoại rồi kết hợp luyện nói, hoặc nghe nhưng tự viết ra những từ mình nghe được, hát to theo bài hát… có như vậy mới mong tiến bộ nhanh hơn trong phần luyện nghe tiếng Nhật được.
Học tiếng Nhật chỉ để thi lấy bằng JLPT
Thực tế là có rất nhiều người trong đó có cả những sinh viên Cao đẳng Dược Sài Gòn sau khi tốt nghiệp đã đổ xô đi học tiếng Nhật chỉ để có tấm bằng JLPT. Nguyên nhân xuất phát từ việc các công ty tuyển dụng nhân sự tiếng Nhật lấy bằng JLPT làm thước đo đánh giá trình độ Nhật ngữ của ứng viên. JLPT là một trong những chứng chỉ tiếng Nhật uy tín. Nhưng mặt khác nó không phản ánh hết năng lực tiếng Nhật thực sự của người học.
Kỳ thi JLPT là thi trắc nghiệm vì thế yếu tố hên xui khá cao. Nhiều khi không biết câu trả lời nhưng cũng điền bừa mà lại đúng. Hơn nữa, kì thi JLPT không có phần thi nói như thi IELTS tiếng Anh. Nên kỳ thi này cũng sản sinh ra vô số người có bằng tiếng Nhật tốt nhưng không thể nói chuyện, giao tiếp bằng tiếng Nhật.
Chưa kể đến hàng loạt các trung tâm luyện thi. Luyện thi theo đúng nghĩa – tức là bạn sẽ học các mẹo, các mánh để trả lời được bài thi mà không phải là học và hiểu tiếng Nhật thực sự. Vì thế nên mới mọc ra rất nhiều các cam kết “Giật N3 trong vòng 6 tháng” dành cho người chưa biết gì về tiếng Nhật. Tốt thôi. Bạn có thể sẽ có bằng N3 trong 6 tháng thật. Nhưng chúng mình đảm bảo khi vận dụng vào thực tế, năng lực thật sự của bạn sẽ được phơi bày.
Hãy học tiếng Nhật sao cho bạn có thể sử dụng nó trong công việc và học tập. Đừng học vì một tấm bằng mà chỉ chú trọng luyện đề, học vẹt, không đi sâu vào vận dụng tiếng Nhật thành thạo.
Chờ đến khi tích lũy đủ vốn từ mới học nói tiếng Nhật
Hãy học nói tiếng Nhật và thực hành giao tiếp ngay khi bạn học tiếng Nhật sơ cấp. Luyện nói từ bài ngữ pháp và từ vựng đầu tiên. Đừng chờ tới khi bạn thấy mình sẵn sàng để luyện nói. Vì đơn giản, não bạn sẽ khiến bạn trì hoãn với ý nghĩ: bạn chưa sẵn sàng. Hơn nữa, đừng nghĩ là vốn từ ít thì không nói tiếng Nhật được.
Luyện nói thú vị ở chỗ, bạn có thể nói các cụm từ thôi, chẳng cần nói hết câu nhưng người nghe vẫn hiểu.
Dù bạn ở trình độ tiếng Nhật nào, bạn nên chăm chỉ dành thời gian học mỗi ngày. Nếu muốn thật sự giỏi tiếng Nhật bạn hãy nhớ điều này. Đừng hứng lên thì học thật nhiều rồi lại bỏ xó. Hơn nữa, hãy biết xác định mục đích học tiếng Nhật của bản thân. Như vậy bạn sẽ có kế hoạch và chiến lược học phù hợp. Đồng thời, bạn cũnng tránh được những cách học tiếng Nhật kém hiệu quả, mất thời gian.